Tiếp tục series những kinh nghiệm xây nhà, ở bài viết này Vip House xin giới thiệu đến các bạn Quy trình xây nhà từ lúc chuẩn bị đến bàn giao, cùng tìm hiểu nhé!
Quan niệm xưa nay của ông cha ta thường nói: “Xây nhà là việc cả đời”. Chính vì vậy xây nhà được xem là một trong những việc quan trọng nhất của cuộc đời mỗi người. Xây nhà chính là ước mơ, là mục tiêu phấn đấu, là một dấu mốc ấn tượng nhất trong đời người. Công việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được quy trình xây dựng một ngôi nhà như thế nào, gồm có những công việc gì…Với những người không có chuyên môn thì việc xây nhà quả thật khá khó khăn.
Để giúp mọi người có được những thông tin chi tiết và chính xác nhất cho quy trình xây nhà từ lúc chuẩn bị đến bàn giao, Vip House xin liệt kê chi tiết các bước từ a-z để hoàn thiện một ngôi nhà như sau:
Lập kế hoạch xây nhà
Chọn mua đất
Chọn mua đất là một trong những bước quan trọng đầu tiên trước khi bắt tay vào kế hoạch xây nhà. Bởi không phải ai cũng có sẵn một mảnh đất phù hợp để xây nhà theo dự tính.
- Theo quan niệm phong thủy người ta luôn cho rằng: "Trạch mệnh phải tương phối". Trong câu trên, trạch có nghĩa là đất và mệnh có nghĩa là người. Trong trạch có hai loại là Đông tứ trạch và Tây tứ trạch. Người cũng gồm hai nhóm là Đông tứ mệnh và Tây tứ mệnh. Theo phong thủy, người thuộc Đông tứ mệnh thích hợp ở khu đất Đông tứ trạch và người thuộc Tây tứ mệnh thì nên chọn ở khu đất Tây tứ trạch.
Khu đất thuộc Đông tứ Trạch bao gồm các hướng Bắc | Nam | Đông | Đông Nam
Khu đất thuộc Tây tứ trạch gồm 4 hướng : Tây | Tây Nam | Tây Bắc | Đông Bắc
- Cũng theo phong thuỷ, người ta quan niệm rằng: Khu đất chọn để xây nhà phải nằm ở vị trí đẹp, địa thế “tựa sơn, hướng thủy”, đất phải nở hậu, pía trước mặt cây lớn che chắn hay con đường đâm thẳng vào .
- Ngoài yếu tố phong thuỷ nêu trên, việc chọn mua đất xây nhà gia chủ cũng nên xem xét nhiều yếu tố khác như: khu đất có giá mua hợp lý, nên ở trong khu vực có dân trí cao, an ninh an toàn, điện nước đầy đủ, đường rộng hè thoáng,…...
- Khi chọn mua đất, không nên mua những mảnh đất có địa chất nền đất yếu. Khi mua đất, chủ nhà thường không để ý tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Xây nhà trên đất có địa chất nền đất yếu dẫn đến việc tốn kém chi phí rất nhiều cho việc gia cố nền đất.
- Khi chọn mua đất cần để ý đến các yếu tố pháp lý của khu đất, nên mua đất đã có sổ đỏ, tránh mua phải khi đất nằm trong diện quy hoạch giải tỏa. Khi làm thủ tục mua đất. gia chủ cũng nên chú trọng đến các vấn đề trong hợp đồng cần phải minh bạch, rõ ràng để tránh xảy ra tranh chấp sau này.
Chuẩn bị tài chính
Kinh phí hay tài chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô và chất lượng ngôi nhà của gia đình bạn. Quá trình xây nhà bạn nên cách kế hoạch tài chính cụ thể các khoản chi phí trong xây nhà như vậy sẽ dự trù được kinh phí hợp lý và tránh phát sinh những chi phí ngoài dự kiến.
Những khoản chi phí chính trong xây dựng nhà ở thường bao gồm: chi phí xây dựng cơ bản, chi phí phát sinh, chi phí trang trí nội thất.
Hình ảnh: Chuẩn bị bài chính là việc quan trọng trước khi xây nhà
Chi phí xây dựng cơ bản:
Chi phí xây dựng cơ bản là phần chi phí để xây dựng ngôi nhà đến mức hoàn thiện phần thô và đã bao gồm gạch lát, sơn tường trong ngoài nhà.
Chi phí này bao gồm: Chi phí tư vấn thiết kế kiến trúc & nội thất + Chi phí thi công xây dựng + Chi phí giám sát
Chi phí xây dựng cơ bản là chi chi lớn nhất trong toàn bộ các hạng mục chi phí để xây dựng nhà ở. Chi phí này thường được tính như sau: Chi phí xây dựng cơ bản = diện tích xây dựng x đơn giá xây dựng/m2
Chi phí trang trí nội thất
Chi phí trang trí nội thất là phần chi phí để mua trang thiết bị trong nhà như bàn ghế, giường tủ, thiết bị nhà bếp, thiết bị nhà tắm, điều hòa, ti vi, tủ lạnh,…Phần chi phí này có thể chênh lệch tùy vào điều kiện tài chính của gia đình mà trang trí những món đồ nội thất đắt tiền hay đơn giản để tiết kiệm chi phí.
Chi phí trang trí nội thất thường được tách riêng khỏi chi phí xây dựng cơ bản là do phần chi phí này được sử dụng sau khi ngôi nhà đã hoàn thành.
Chi phí phát sinh
Dù bạn đã tính toán và lên kế hoạch tài chính chi tiết thì quá trình xây dựng nhà vẫn có thể có chi phí phát sinh thêm. Gia chủ nên dự trù khoảng 10-30% tổng chi phí xây dựng cơ bản cho phần chi phí phát sinh này để tránh tình trạng thiếu nguồn kinh phí khi đang thi công xây dựng nhà, khiến quá trình xây nhà bị gián đoạn.
Chuẩn bị thủ tục pháp lý
- Để được phép xây dựng, khu đất phải đảm bảo đủ các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được cấp phép xây dựng.
- Các thủ tục hành chính, pháp lý để thực hiện việc xây dựng trên thực tế là khá phức tạp. Vì vậy chủ nhà nên tìm đến các đơn vị chuyên trách để thực hiện giúp mình nhằm tránh sai sót và tiết kiệm thời gian.
- Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng cần phải có hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng của đơn vị có tư cách pháp nhân và có chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế. Chính vì vậy, trước khi tiến hành xây dựng, gia chủ nên tìm đến các đơn vị tư vấn thiết kế chuyên nghiệp, có chuyên môn.
Tìm đến đơn vị tư vấn thiết kế
Sau khi chuẩn bị những yếu tố cần thiết ở trên, việc gia chủ cần làm đó là tìm đến một đơn vị tư vấn thiết kế & xây dựng chuyên nghiệp.
Tại sao gia chủ lại cần thuê tư vấn thiết kế? Nhiều gia chủ vẫn còn băn khoăn về vấn đề này.
- Khi tìm đến đơn vị tư vấn thiết kế, chủ nhà sẽ có được một bản vẽ chi tiết của toàn bộ ngôi nhà. Đó sẽ là phương án giúp bạn có được một không gian nhà ở phù hợp với sở thích, yêu cầu về công năng và giúp tối ưu diện tích, tạo không gian sống thoáng sáng và tiện nghi nhất.
Hình ảnh: Bạn nên tìm đến đơn vị tư vấn thiết kế để nhận được nhiều lợi ích
- Thuê tư vấn thiết kế sẽ giúp gia chủ chọn được phương án bố trí nhà tối ưu ngay từ đầu, tránh thay đổi, điều chỉnh khi thi công.
- Đồng thời đơn vị tư vấn thiết kế sẽ giúp gia chủ có được một công trình với kiến trúc ngoại thất hoàn hảo theo sở thích và phù hợp với yêu cầu của gia đình, khẳng định được đẳng cấp và phong cách sống, cá tính riêng của gia chủ.
- Việc thuê đơn vị tư vấn thiết kế sẽ giúp bạn có thể thấy được ngôi nhà của mình trong tương lai trông sẽ như thế nào mặc dù nó chưa được hình thành. Gia chủ cùng kiến trúc sư sẽ được bàn bạc kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến ngôi nhà cho đến khi hoàn chỉnh để tránh việc sai sót trong quá trình thi công xây dựng.
- Ngoài ra khi tìm đến đơn vị tư vấn thiết kế, bạn còn được dự toán chi phí xây dựng nhà ở một cách chính xác và chi tiết để có thể điều chỉnh mức đầu tư xây dựng cũng như tránh được nhiều chi phí phát sinh không đáng có. Làm việc cùng đơn vị tư vấn thiết kế chủ nhà còn được tư vấn về phong thủy nhà ở giúp cuộc sống sau khi xây nhà mới sẽ được thuận lợi và may mắn.
Chọn nhà thầu xây dựng
Khi thực hiện xong quá trình làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế, chủ nhà đã có cho mình: hồ sơ thiết kế thi công hoàn chỉnh và chi tiết, dự toán chi phí thi công, giấy cấp phép xây dựng. Và công việc tiếp theo của gia chủ đó là chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình.
- Việc chọn nhà thầu thi công gia chủ cần cân nhắc để tìm một nhà thầu có chuyên môn và kinh nghiệm, giá cả hợp lý và thời gian hoàn thành tiến độ thi công nhanh chóng. Việc chọn nhà thầu thi công hợp lý quyết định rất lớn đến chất lượng công trình sau thi công. Giả sử bạn đã có một quá trình chuẩn bị rất tốt cùng với một bộ hồ sơ thiết kế thi công hoàn chỉnh và chi tiết, nhưng bạn lại gặp phải một nhà thầu làm việc không tốt thì ngôi nhà của bạn chắc chắn sẽ không được như mong đợi. Bạn có thể tìm một nhà thầu chất lượng qua tìm hiểu từ bạn bè và người thân đã từng xây nhà hoặc hỏi những người có chuyên môn xây dựng.
Hình ảnh: Chọn nhà thầu xây dựng chất lượng bạn sẽ yên tâm hơn
- Sau khi chọn được nhà thầu thi công, gia chủ sẽ chuyển hồ sơ thiết kế & thi công đầy đủ cho họ để trao đổi cụ thể về công tác xây dựng ngôi nhà cũng như tiến độ hoàn thành công trình. Dựa trên hồ sơ thiết kế & thi công trên, nhà thầu sẽ đưa ra bảng báo giá thi công chi tiết cho gia chủ để từ đó gia chủ có thể so sánh với bảng dự toán chi phí ban đầu giúp tránh được tình trạng đội giá và chênh lệch khối lượng vật liệu xây dựng.
- Sau khi thống nhất được tất cả các thông tin giữa 2 bên, chủ và và nhà thầu thi công tiến hành ký kết hợp đồng xây dựng.
- Nếu chủ đầu tư chọn được nhà thầu tốt và chuyên nghiệp thì nên giao việc mua nguyên vật liệu luôn cho nhà thầu. Bởi vì những nhà thầu có uy tín và kinh nghiệm thường mua số lượng lớn vật tư cho nhiều công trình, vậy nên họ sẽ được giảm giá vật tư khá nhiều.
Xây dựng phần thô
Khi đã chuẩn bị đầy đủ và cẩn thận tất cả những yếu tố cần thiết trước khi xây nhà, bước tiếp theo sẽ là quá trình xây dựng phần thô công trình.
Quá trình xây thô bắt đầu từ phần móng nhà, móng nhà là phần quan trọng đầu tiên giúp quyết định sự vững chắc của ngôi nhà.
Khi làm móng gia chủ cần chú ý lựa chọn loại móng sao cho phù hợp với ngôi nhà.
Bạn có thể tham khảo:Lựa chọn kết cấu móng phù hợp cho nhà ở
- Khi kết thúc phần nền móng chúng ta sẽ bắt đầu quá trình thi công phần khung nhà. Khung nhà được hiểu là bao gồm toàn bộ hệ khung kết cấu của ngôi nhà bao gồm 5 thành phần chính: cột nhà, dầm nhà, bản sàn, tường nhà (gồm tường bao và tường ngăn chia, được xây bằng gạch), và cầu thang.
Hình ảnh: Quá trình xây dựng phần thô cần được tiến hành đúng bản vẽ kỹ thuật
Tùy thuộc vào thỏa thuận giữa bạn và nhà thầu xây dựng khi chọn gói dịch vụ thầu xây dựng, mà trong giai đoạn này bạn sẽ chịu những trách nhiệm khác nhau. Phần này sẽ có những hình thức hợp tác giữa chủ nhà với nhà thầu như sau:
Thi công xây nhà trọn gói: hay còn gọi là hình thức “chìa khóa trao tay”, là việc chủ nhà giao toàn bộ trách nhiệm cho nhà thầu, nhà thầu lo từ a-z về nhân công và vật tư xây dựng. Chủ nhà chỉ cần duyệt các phương án xây dựng như thiết kế, bảng vật tư và giám sát tiến độ thi công nếu có thời gian.
Thi công hoàn thiện phần thô: hình thức này là chủ nhà lo một phần vật tư (thường là phần vật tư nội thất hoàn thiện như các thiết bị vệ sinh, thiết bị nhà bếp, gạch opps lát, thiết bị đèn, điện, sơn tường,…); nhà thầu lo nhân công và vật tư xây dựng hoàn thiện phần thô công trình.
Khoán nhân công: Hình thức này bên nhà thầu chỉ cung cấp nhân công xây dựng, còn lại chủ nhà phải chịu mọi trách nhiệm từ vật tư đến quy trình xây dựng và giải quyết những vấn đề phát sinh.
Trong giai đoạn xây dựng phần thô thì việc giám sát thi công là vô cùng cần thiết vì chỉ một soi sót nhỏ trong quá trình thi công cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công trình.
Xây dựng hoàn thiện
Sau khi thi công phần thô được hoàn thành thì coi như ngôi nhà đã xây dựng được khoảng 70% rồi. Công việc còn lại sẽ là hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình. Công tác xây dựng hoàn thiện công trình thường bao gồm:
- Lát nền nhà,WC, sân
- Lắp và hoàn thiện cửa gỗ, thép, nhôm
- Lắp lan can, tay vịn cầu thang, lan can mặt tiền
- Đóng trần thạch cao
- Bả matit, sơn nước, sơn dầu
- Ốp lát gạch đá trang trí
- Ốp đá cầu thang, bàn bếp
- Lắp thiết bị điện, công tắc, ổ cắm…
- Lắp đèn chiếu sáng
- Lắp thiết bị vệ sinh, bồn nước, máy bơm, máy nước nóng, lắp gương, vòi nước,….
Giai đoạn này có ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ của ngôi nhà, bởi vậy cần lựa chọn trang thiết bị và vật tư thật kỹ lưỡng.
Công việc cuối cùng bạn cần làm để hoàn thiện ngôi nhà là lắp đặt nội thất. Phần việc này bạn cần lựa chọn nội thất đảm bảo phù hợp với nhu cầu và sở thích của bạn và mọi thành viên trong gia đình.
Kiểm tra, nghiệm thu
Kiểm tra
Khi công trình hoàn thành và trước khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng, chủ nhà nên cùng người giám sát và chủ thầu kiểm tra đối chiếu lại các hạng mục thi công một cách chi tiết:
- Kiểm tra thép đã đúng thiết kế chưa
- Kiểm tra công tác xây thô có đúng thiết kế hay không.
- Kiểm tra công tác lắp đặt hệ thống kỹ thuật.
- Kiểm tra công tác hoàn thiện.
Hình ảnh: Kiểm tra và nghiệm thu là bước cuối cùng để đưa ngôi nhà vào sử dụng
Nghiệm thu
Qúa trình nghiệm thu là việc kiểm tra chất lượng công trình sau khi xây để đưa vào sử dụng. Việc nghiệm thu phải được thực hiện đối với từng công việc, từng bộ phận, từng hạng mục công trình theo quy định của pháp luật. Nghiệm thu các hạng mục thi công, từ bê tông, xây tô, hệ thống kỹ thuật, hoàn thiện, xem đúng yêu cầu thực tế hay không và được tiến hành bởi chủ nhà, đơn vị giám sát, đơn vị thi công.
Nghiệm thu công trình bao gồm:
+ Phiếu yêu cầu nghiệm thu của nhà thầu.
+ Tài liệu chỉ dẫn kỹ thuật kèm theo hợp đồng xây dựng.
+ Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng.
+ Kết quả kiểm tra chất lượng vật liệu, thiết bị được thực hiện trong quá trình xây dựng.
+ Nhật ký thi công, nhật ký giám sát và các văn bản khác có liên quan đến đối tượng nghiệm thu.
+ Biên bản nghiệm thu nội bộ công việc xây dựng của nhà thầu.
Trên đây là Quy trình xây nhà từ lúc chuẩn bị đến bàn giao được chúng tôi đúc rút kinh nghiệm từ quá trình thi công xây dựng các công trình nhà ở, biệt thự, khách sạn,…Những thông tin này chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho gia chủ trước khi bắt tay vào quá trình xây dựng một ngôi nhà.
Chúc quý bạn đọc và khách hàng hiện thực hóa được ngôi nhà mơ ước trong tương lai của mình nhé!
viphouse.vn